Xin chào! lại là Đạt đây.
Những nguyên tắc thị giác trong thiết kế (Design Principles) là một trong những kiến thức nền tảng quan trọng nhất của một người làm thiết kế phải nắm vững, chúng đảm bảo tính thu hút, cũng như sự hiệu quả trong việc truyền tải thông điệp nói riêng, hay tính công năng của thiết kế nói chung.
Dựa trên thói quen phân tích "ngược" của bản thân, khi nhìn thấy một thiết kế mà Đạt yêu thích. Việc phân tích "ngược" giúp ích cho Đạt trong việc cải thiện khả năng tư duy bố cục và kỹ thuật sắp xếp các tín hiệu thị giác trong một thiết kế. Dưới đây, Đạt sẽ đưa ra một ví dụ cụ thể và dễ hình dung hơn về phương pháp tự rèn luyện này.
0.1/ Tiếp nhận thông tin (Tín hiệu thị giác)
-
Màu sắc (Color)
-
Nội dung đọc (Text)
-
Kiểu hình (Shape)
Xác định tính công năng, mức độ quan trọng của các tín hiệu trên:
-
Xác định màu sắc đi cùng, màu sắc chủ đạo, bổ trợ.
-
Xác định tiêu đề chính, nội dung phụ.
-
Xác định kiểu hình chủ đạo trong toàn bộ thiết kế.

0.2/ Phân nhóm thông tin (Tín hiệu thị giác)
Sắp xếp thứ tự ưu tiên của các thông tin theo cách cơ bản và đơn giản nhất, như ta thấy ở Hình.02 (Bên trái): Kiểu hình (Shape) > Tiêu đề (Title) > Nội dung phụ (Body-text), thành một hàng dọc với sức hút thị giác giảm dần từ trên xuống.
Tiếp đó, tạo nhóm các tín hiệu thị giác, như ví dụ Hình.02 (Bên phải) ta thấy phần tiêu đề (Title) và kiểu hình (Shape) được tạo thành một nhóm, đồng thời phần nội dung phụ được chia làm 3 đoạn khác nhau và trở thành nhóm khác tách biệt so với nhóm trên.

0.3/ Tỉ lệ phân bổ thông tin (Tín hiệu thị giác)
Như Hình.03 (Bên trái) phần kiểu hình (Shape) chiếm chủ đạo (75%) trong thiết kế này. Kế tiếp là phần tiêu đề và nội dung phụ sẽ chiếm phần còn lại (25%) nhằm tăng độ thu hút, cũng như sự tương phản giữa phần nhìn và phần đọc.
Tiếp đó, tăng sự tương đồng (Tính lặp lại) ở phần kiểu hình, nhằm hệ thống hoá cấu trúc hình học cũng như bố cục trong thiết kế này: Hình vuông (Square); Kiểu chữ không chân (Sans Serif - Cụ thể hơn là thuộc dòng Grotesque); Căn gióng hàng từ trái sang phải, trên hệ thống lưới đặc trưng (Modular Grid) từ Swiss Design một cách ngay ngắn, trật tự.

0.4/ Nhịp điệu thông tin (Tín hiệu thị giác)
Sau khi thiết kế đã có tính ổn định, tiếp đó cần tạo một nhịp điệu - chuyển động cho thiết kế này, cụ thể ở Hình.04a (Bên trái) với thay đổi về kiểu hình (Shape) có độ dài tăng tiến từ trái sang phải, cho ta một ảo giác về sự dịch chuyển giữa chúng một cách thuận mắt.
Để thiết kế thú vị hơn, tiếp tục biến đổi hình dạng, kích thước.. của những kiểu hình (Shape) như ở Hình.04a (Bên phải) nhằm gia tăng tính đa dạng, nâng cao trải nghiệm nhìn, kích thích thị giác.

Đừng quên, ứng dụng khoảng không (Negative Space) vào thiết kế như Hình.04b (Bên trái) để giảm bớt căng thẳng và sự chật chội, đồng thời cũng làm cho kiểu hình (Shape) có nhấn nhá hơn.
Cuối cùng, chúng ta đưa màu sắc vào thiết kế Hình.04b (Bên phải).

Nhưng! Đạt muốn nói điều này đến với bạn.
Đừng vội hoàn thiện nó, hãy đặt bản thân trong tâm thế có thể làm mọi thứ đặc biệt hơn nếu còn thời gian, hãy nghĩ khác, nghĩ xa hơn.
0.5/ Chiều hướng thông tin (Tín hiệu thị giác)
Suy nghĩ về một lối nhìn, đọc nội dung mới mẻ, phá bỏ tính cân bằng thường thấy ở một thiết kế. Sẽ như thế nào? nếu khiến đôi mắt phải nghiêng một chút để nhìn, chiều hướng đọc lệch ra khỏi quy chuẩn thông thường (Từ trên xuống dưới; Từ trái sang phải). Hãy làm nó - Dám mạo hiểm!.



Và đây, là một thiết kế (Hình.05c) của Mike Joyce, trong chuỗi dự án thiết kế Poster "Swissted". Mọi người có thể tìm hiểu và xem thêm các thiết kế khác từ anh ta tại www.swissted.com

Đạt đã đưa thiết kế này làm ví dụ điển hình, cho việc tự rèn luyện tư duy thiết kế (Design Principles) của mình. Hy vọng, với sự trải nghiệm cá nhân trong cách tự rèn luyện của bản thân, có thể giúp các bạn có nhiều cảm hứng cũng như ý tưởng, trong công việc sáng tạo mỗi ngày.
Đạt Đỗ.