Chắc hẳn, trong thời kỳ hiện nay việc các bạn bắt gặp những thiết kế Biểu Trưng dạng kiểu chữ (Logotype) là điều không còn lạ lẫm đối với mỗi chúng ta. Đầy rẫy và xuất hiện khắp nơi, len lỏi trong tiềm thức của Đạt và các bạn.
Con chữ không còn bị giới hạn ở việc "đọc" nữa, mà đã trở thành một loại hình nhận diện - "nhìn" và "nhớ" về một đối tượng mà nó đại diện cho.
Những con chữ cong lượn được viết nghiêng* (Italic) với màu đỏ nổi bật làm chúng ta liên tưởng ngay đến một ngụm nước ngọt có ga của Coca-Cola đầy sảng khoái, mát lạnh (Hình.01).

Hay nhiều màu sắc vui nhộn đan xen, cộng hưởng với những dáng chữ hình học, tròn vành vạnh từ công cụ tìm kiếm Google mà chúng ta phải ít nhất thấy một đến hai lần mỗi ngày (Hình.02).

Một vấn đề được đặt ra, khi một thiết kế nhận diện thương hiệu hay thiết kế biểu trưng (Logo) không sử dụng biểu tượng (Symbol) hoặc hình họa (Illustration) đi kèm tên thương hiệu (Brandname/Wordmark), liệu có khả thi cho việc phân biệt và gợi nhắc đến đối tượng/thương hiệu cụ thể không? Và minh chứng về Coca-Cola và Google sẽ là câu trả lời đắt giá nhất cho câu hỏi trên.
Bài toán khó khăn nhất cần được người thiết kế tìm lời giải, khi thực hiện một thiết kế Biểu Trưng dạng kiểu chữ (Logotype) là đảm bảo cân bằng được tính dễ đọc vốn có của các con chữ và tính đặc biệt, điểm nhấn của một thiết kế Biểu Trưng (Logo Design).
Dựa theo kinh nghiệm cá nhân, Đạt sẽ liệt kê những yếu tố cơ bản quyết định tính nhận diện của một thiết kế biểu trưng dạng chữ (Logotype) như sau:
-
Một cái tên (Brandname) thật sự dễ nhớ, dễ đọc và khác biệt.
-
Định dạng Logotype thuộc nhóm cụ thể: Wordmark; Lettermark; Letterform..
(Đọc thêm bài viết: Logotype là gì? Phân loại các dạng Logotype) -
Kiểu chữ (Typeface) được sử dụng cho Logotype: Không chân (Sans Serif); Có chân (Serif); Viết tay (Script); Phô diễn (Display Type)..
-
Kỹ thuật định hình phong cách thiết kế: Negative Space Logo hay ứng dụng kỹ thuật Figure-ground; 3-Dimensional Logo thường áp dụng kỹ thuật phối cảnh Isometric..
Đạt sẽ đưa ra ví dụ cụ thể dưới đây và tiến hành phân tích, để chúng ta dễ nắm bắt các yêu tố thiết kế đã được đề cập ở trên.

Nổi tiếng trên toàn cầu, FedEx (Dịch vụ chuyển phát nhanh - Quốc tế) tạo ấn tượng đầu tiên với sự tương phản mạnh mẽ, giữa hai màu nóng và lạnh đặt sát vào nhau ở vị trí chữ d và E (Hình.03).
Cụ thể hơn:
Tên thương hiệu (Brandname): FedEx, là một từ viết tắt từ tên gọi Federal Express (Chuyển phát nhanh liên bang).
→ Nhờ việc ghép nối từ thông minh, đã tạo ra được một cái tên "riêng" ngắn gọn, dễ đọc và dễ nhớ hơn nhưng vẫn đảm bảo tính khác biệt, thay vì một tên gọi quá chung chung và tương đối dài.
Định dạng Logotype: Thuộc nhóm Logotype dòng Wordmark*.
→ Tách biệt rõ ràng hai phần Fed và Ex nhằm dễ dàng đánh vần hơn <feh·deks>, cũng như gợi được tên đầy đủ của thương hiệu (Federal Express) với việc cho chữ F và chữ E viết in hoa (Uppercase).
Kiểu chữ (Typeface): Theo như Đạt tìm hiểu được, ở phần Logotype của FedEx sử dụng kiểu chữ Futura - Bold thuộc dòng Geometric Sans*.
→ Mang lại cảm giác kỹ thuật, hiện đại với cấu trúc chữ tối giản và kiểu dáng hình học* (Geometric) dày dặn.
Kỹ thuật định hình phong cách (Graphic Design Style): Theo dạng Negative Space Logo - "The discreetly hidden arrow symbolises a sense of direction, speed, and precision". Mũi tên được ẩn giấu vào khoảng trống giữa chữ E và chữ x một cách tinh tế, rất vừa vặn mà không bị gượng ép.
→ Truyền tải thông điệp dễ hiểu và rất trực quan, đáp ứng được tính phù hợp văn hóa, dịch vụ của doanh nghiệp. Mũi tên - đại diện cho dẫn dắt, tốc độ và sự chuẩn xác là những tiêu chí hàng đầu của FedEx.
Theo quan điểm của Đạt, ở Logotype của FedEx tín hiệu nhận diện mạnh mẽ nhất, giúp người tiếp cận ghi nhớ là nhờ vào tên gọi độc đáo, màu sắc tương phản ở phần giao nhau giữa chữ d và E, còn hình ảnh mũi tên ở không gian trống, không thật sự nổi bật hoặc không dễ dàng nhận ra nếu không được đề cập đến.
Thông qua cách nhìn nhận mang tính cá nhân này của Đạt về thiết kế Biểu Trưng dạng chữ (Logotype), mong rằng sẽ đem đến các thông tin hữu ích, cho việc định hướng và cải thiện thiết kế đến các bạn đọc.
Đạt Đỗ.